Lào Cai quyết tâm phát triển và mở rộng sản xuất ngành hàng dâu tằm tơ
Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống lâu đời ở Việt Nam, trải qua hàng ngàn năm, nghề trồng dâu nuôi tằm ở nước ta vẫn tồn tại và phát triển. Với chi phí đầu tư cho trồng dâu thấp, trồng một lần có thể thu hoạch 20 năm. Cây dâu lại không kén đất, có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau như: Đất bãi ven sông, suối, đất đồi và cả những vùng đất nghèo dinh dưỡng. Sau 4 - 6 tháng cây dâu đã cho thu hoạch lá để nuôi tằm và chỉ sau 10 - 12 ngày đã cho thu hoạch một lứa tằm.
Lào Cai có tiềm năng phát triển, xuất phát từ nhu cầu phát triển của thực tiễn, giai đoạn 2019-2021 một số địa phương đã tổ chức phát triển ngành trồng dâu, nuôi tằm với tổng diện tích 346,28 ha, trong đó huyện Bảo Yên 290 ha/12 xã, thị trấn; huyện Văn Bàn 40 ha/03 xã; huyện Bắc Hà 15 ha/01 xã; huyện Bảo Thắng 1,28 ha/02 xã. Từ kết quả khả quan bước đầu, đã hình thành các liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm, mang lại thu nhập tương đối ổn định cho các hộ sản xuất. Tuy nhiên, diện tích sản xuất dâu tằm đã liên tục giảm, trước thời điểm xảy ra cơn bão số 3 diện tích có 35 ha.
UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 418/KH-UBND, ngày 28/10 năm 2024 về phát triển và mở rộng sản xuất ngành hàng dâu tằm tơ trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đa dạng hóa các ngành hàng theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế của các địa phương; phát triển ngành dâu tằm tơ theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững; hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định; nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm dâu tằm tơ; góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai tham gia Chương trình khởi động khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm tại huyện Bảo Yên
Khôi phục diện tích cây dâu tằm đã có, đồng thời mở rộng diện tích trồng dâu tằm tại các địa phương có điều kiện, thổ nhưỡng phù hợp trồng dâu tằm để phát triển diện tích dâu tằm của tỉnh.
Giai đoạn 2024 - 2025: Tiếp tục khôi phục và mở rộng vùng trồng dâu tại các huyện, đến hết năm 2025, tổng diện tích đạt 85 ha (Bảo Yên lên 70 ha; Văn Bàn 07 ha, Bảo Thắng 05 ha, Bắc Hà 03 ha); năng suất bình quân 30 tấn lá/ha; sản lượng 2.550 tấn lá tươi. Năng suất kén trung bình đạt trên 1,2 tấn/ha/năm, sản lượng kén đạt trên 102 tấn, giá trị thu nhập đạt trên 15 tỷ đồng. Tổ chức xây dựng mô hình điểm về trồng dâu nuôi tằm hai giai đoạn tại xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà. Tập trung xây dựng nhà nuôi tằm con tại huyện Bảo Yên, Bắc Hà cung cấp cho các hộ nuôi tằm lớn tại huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bắc Hà.
Giai đoạn 2026 - 2030: Phấn đấu đến năm 2030 đạt 1.000 ha tại tại các huyện Bảo Yên 500 ha, Văn Bàn 300 ha, Bảo Thắng 100 ha, Bát Xát 50 ha, Bắc Hà 50 ha. Năng suất bình quân 32,5 tấn/ha. Sản lượng 32.500 tấn lá tươi, năng suất kén trung bình đạt trên 1,5 tấn/ha/năm, sản lượng kén toàn tỉnh năm 2030 đạt trên 1.500 tấn, giá trị thu nhập trung bình đạt trên 225 tỷ đồng. Tổ chức mở các lớp đào tạo nghề về trồng dâu, nuôi tằm cho các hộ nông dân tại các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát, Bắc Hà. Tổ chức cuộc học tập kinh nghiệm trồng dâu, nuôi tằm tại tỉnh Yên Bái, đối tượng là các nông dân tiêu biểu về trồng dâu nuôi tằm của các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát, Bắc Hà. Tổ chức 01 đoàn thăm quan học tập kỹ thuật trồng 02 giống dâu DA10 và Yunsan2; kỹ thuật sản xuất giống tằm và nuôi tằm tại Trung Quốc.
Đầu tư mạng lưới nuôi tằm con tập trung, từ tuổi 1 đến tuổi 3; đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng được nhu cầu sản xuất các hộ dân trên địa bàn các huyện. Phát triển 20 nhà nuôi tằm con, quy mô 150 m2/nhà tằm, tại các huyện Bảo Yên 10 nhà, Văn Bàn 6 nhà, Bảo Thắng 2 nhà, Bát Xát 01 nhà, Bắc Hà 01 nhà. Nhà nuôi tằm con có quy mô diện tích tối thiểu 120 m2 được thiết kế theo công đoạn sản xuất (phòng bảo quản lá dâu tối thiểu 15 m2, phòng băng tằm và tằm tuổi 1 tối thiểu 15 m2, phòng nuôi tằm tuổi 2 tối thiểu 30 m2, phòng nuôi tằm tuổi 3 tối thiểu 60 m2). Một nhà nuôi tằm con có công suất nuôi 200 vòng trứng/lứa, cung cấp cho khoảng 100 - 120 hộ nuôi tằm lớn, tương ứng với 50 ha dâu/nhà nuôi tằm con. Nuôi tằm con tập trung là phương pháp tổ chức sản xuất có rất nhiều ưu điểm, có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho tằm con, giai đoạn hết sức quan trọng của lứa tằm, hạn chế bệnh tật, sử dụng lao động có hiệu quả.
Phát triển nhà nuôi tằm lớn trên nền nhà, khay ở tuổi 4 và tuổi 5; số lượng khoảng 2.000 nhà; hướng dẫn các hộ sản xuất xây dựng mới nhà nuôi tằm lớn phù hợp với diện tích dâu của hộ gia đình và đảm bảo nhiệt độ, ẩm độ phù hợp để tằm sinh trưởng. Nhà nuôi tằm lớn có quy mô xây dựng từ 100 - 120 m2 trở lên. Có đủ phòng chức năng, có khả năng điều chỉnh được nhiệt độ, ẩm độ cho tằm sinh trưởng theo các mùa.
Trên cơ sở diện tích trồng dâu và quy mô nuôi tằm các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn hộ sản xuất xây dựng nhà nuôi tằm lớn đảm bảo các tiêu chuẩn và quy mô sản xuất của hộ, nhóm hộ sản xuất phù hợp quy mô sản xuất.
Sau năm 2026, nghiên cứu xây dựng 01 nhà máy chế biến tơ tằm tại huyện Bảo Yên (lựa chọn địa điểm phù hợp với giao thông, thuận tiện thu mua kén tằm tại các huyện). Công nghệ sản xuất: Sử dụng công nghệ ươm tơ tự động, thiết bị đồng bộ để chế biến ra sản phẩm tơ, lụa có giá trị cao. Công suất sản xuất dự kiến đạt 200 tấn tơ/năm. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp 2A trở lên và các sản phẩm phụ từ kén.
Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở ban ngành, địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Tổ chức rà soát toàn bộ quỹ đất hiện có trên địa bàn để quy hoạch vùng trồng, bố trí đất sản xuất cây dâu phù hợp theo định hướng chung của tỉnh, huyện và phải đảm bảo duy trì, mở rộng quy mô diện tích. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi đất trồng các cây trồng nông nghiệp có giá trị thấp sang trồng dâu theo hướng hàng hóa đảm bảo duy trì và mở rộng quy mô diện tích trên địa bàn.
Gắn phát triển vùng trồng dâu nuôi tằm với các cơ sở chế biến, tiêu thụ kén tằm. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản đặc biệt là sản phẩm kén tằm; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất dâu tằm từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, tổ nhóm liên kết cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực cho các thành viên Hợp tác xã để xây dựng liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với người sản xuất.
Đối với hộ gia đình, cần chủ động đăng ký tham gia liên kết với doanh nghiệp thông qua Hợp tác xã, tổ hợp tác để hình thành vùng sản xuất trồng dâu, nuôi tằm tập trung. Đồng thời, tích cực tham gia các khóa đào tạo nghề kỹ thuật về trồng dâu nuôi tằm, tăng cường kỹ năng nuôi tằm chất lượng cao.
Giống tằm được nuôi tại huyện Bảo Yên là giống tằm kén trắng lưỡng hệ, do HTX Nấm Tam Đảo cung cấp cho hộ nuôi tằm con ươm nuôi nhân giống và cung cấp cho các hộ nuôi tằm lớn.
Áp dụng khoa học công nghệ xây dựng các vùng sản xuất trồng dâu an toàn dịch bệnh, sử dụng các loại giống dâu chất lượng cao như dâu GQ2, số 28, TBL- 03, giống dâu của Trung Quốc (Quế ưu số 6, DA 10, Yunsan 2, S7 cb tại Lâm Đồng )... Trong đó, giống TBL-03 thích hợp cho việc cắt cành và nuôi tằm con tập trung. Ngoài ra, giống dâu cho tằm con, có thể sử dụng các giống bản địa như Bầu trắng, Ngái tuy năng suất thấp nhưng phù hợp với tập tính ăn của tằm con.
Tổ chức đào tạo chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như: Kỹ thuật nuôi tằm trên nền nhà, kỹ thuật nuôi tằm trên khay trượt, nuôi tằm bằng dâu cắt cành, phòng trừ dịch bệnh cho tằm, xử lý môi trường, hỗ trợ các hộ nuôi tằm chuyển đổi từ sử dụng né tre sang né gỗ để nâng cao chất lượng kén tằm và phù hợp với công nghệ ươm tơ tự động.
Đa dạng hóa các hình thức khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới cho các Hợp tác xã, trang trại, nông dân ứng dụng trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. Hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Trung tâm Khuyến nông và DVNN tỉnh phối hợp hướng dẫn trồng dâu tại huyện Bảo Yên
Nâng cao năng lực tư vấn và dịch vụ khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; dịch vụ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp; khởi nghiệp, xúc tiến thị trường, xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm, đây sẽ là nhân tố trung gian làm cầu nối giữa các hộ nông dân trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với Công ty, doang nghiệp trong liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tơ tằm trên địa bàn; xác định và thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm kén tằm thông qua hợp đồng liên kết.
Phát triển các hình thức hợp tác giữa các hộ trồng dâu nuôi tằm và các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và nhà máy ươm tơ, dệt lụa để hình thành các liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; gắn phát triển vùng liệu với nhà máy ươm tơ, dệt lụa; tăng cường khả năng tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường, giá cả; để nâng cao hiệu quả, phát triển sản xuất bền vững;
Quy hoạch quỹ đất cho doanh nghiệp thuê đất để xây dựng nhà máy ươm, se tơ, dệt lụa trên địa bàn huyện, khai thác thế mạnh nghề trồng dâu nuôi tằm, đảm bảo thị trường tiêu thụ vững chắc, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng dâu nuôi tằm và các tác nhân tham gia trong chuỗi liên kết.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX (Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái, HTX Nấm Tam Đảo….) tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm kén tằm cho Nhân dân; đồng thời hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm sau chế biến.
Với sự định hướng chỉ đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các Sở ban ngành, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của người dân, đi kèm với chính sách rõ ràng; trong thời gian tới việc khôi phục, phát triển và mở rộng sản xuất ngành hàng dâu tằm tơ là rất tươi sáng rộng mở, sẽ đóng góp một phần không nhỏ trong thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.