Lào Cai: chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Từ nhiều năm nay, đào tạo nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Lào Cai chú trọng, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ.
Là tỉnh có vị trí địa kinh tế, địa chính trị và vai trò quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, là cầu nối giữa Việt Nam, các nước ASEAN với Miền Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc. Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã và đang thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu và du lịch. Bên cạnh đó, với lợi thế phát triển về công nghiệp, địa phương đã xây dựng các khu công nghiệp. Đến nay cơ bản các khu, cụm công nghiệp đã được lấp đầy với những dự án công nghiệp quan trọng về chế biến apatít, sản xuất super lân, phốt pho vàng, nhà máy luyện đồng, nhà máy gang thép...do đó nhu cầu về lao động có tay nghề cao phục vụ cho các doanh nghiệp trên địa bàn ngày càng cần thiết.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 về “đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng Giáo dục toàn diện - Nguồn nhân lực - Khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025”; Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 07/2/2022 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về chiến lược phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bởi vậy, công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong những năm qua luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết chuyên đề, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, công tác đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh luôn được coi trọng và đến nay đã đạt được những kết quả khả quan.
Học sinh Trường Cao đẳng Lào Cai trong giờ học thực hành nghề cơ điện
Theo Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh, tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có gần 4.000 doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động với trên 73.000 lao động, tăng hơn 5.200 lao động so với năm 2021 (trong đó: 26 doanh nghiệp Nhà nước sử dụng 10.065 lao động, 15 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng 1.310 lao động,3.440 doanh nghiệp dân doanh sử dụng 61.371 lao động; 518 hợp tác xã sử dụng 961 lao động). Tổng số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp là 9.102 lao động, số lao động làm việc ngoài khu công nghiệp là 64.608 lao động.
Để tạo nguồn nhân lực có tay nghề và tay nghề cao, thời gian qua 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương; trong đó, Trường Cao đẳng Lào Cai được quy hoạch sắp xếp tại địa bàn thành phố Lào Cai (trung tâm của tỉnh) nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh. Đồng thời, hiện có trên 10 trường cao đẳng, trung cấp ngoài tỉnh tham gia liên kết đào tạo nhân lực cho Tỉnh, tập trung ở các ngành nghề mới và có nhu cầu đào tạo, tuyển dụng cao như du lịch - dịch vụ, chăm sóc sắc đẹp, điện, tiếng Trung Quốc...
Theo đó, giai đoạn 2021-2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 51.270/58.000 người đạt 88,39% so với mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo hết năm 2024 5 ước đạt 68,8%, đạt 100% kế hoạch, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ 31%, đạt 100% kế hoạch. Tập trung đào tạo các nghề thuộc các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm của tỉnh như: Lĩnh vực du lịch và dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp…
Phó giám đốc Sở Lao động – TBXH tỉnh Đinh Văn Thơ cho biết, nhờ chú trọng đòa tạo nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao để phục vụ phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, đã góp phần “cung” nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2024 toàn tỉnh đã có 60.601 lao động được giải quyết việc làm, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 15.000 lao động.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy, nguồn lực lao động có chất lượng cao chưa nhiều, còn thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu giữa các ngành nghề, các địa phương, đơn vị. Nguyên nhân do thiếu chính sách đặc thù của tỉnh cho học sinh sinh viên và người lao động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc làm. Hệ thống thông tin thị trường lao động đang trong quá trình hoàn thiện, việc chia sẻ kết nối thông tin giữa các sở, ngành địa phương chưa đầy đủ, chính xác đã ảnh hưởng tới công tác quản lý lao động, phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động. Bên cạnh đó, việc một số lao động đã qua đào tạo nghề nhưng chưa tìm được việc làm cũng tạo những áp lực trong công tác tuyển sinh đào tạo nghề.
Thực tế cho thấy, nếu chỉ tăng cường tuyển sinh học nghề, đào tạo ra nhiều lao động có tay nghề nhưng không có việc làm hoặc việc làm có thu nhập như lao động phổ thông thì không thể hấp dẫn được người học, cần đào tạo nghề gắn với nhu cẩu của sản xuất theo qui luật cung cầu. Chính vì vậy, bước sang năm 2025, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và các cơ sở đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp trên cả 2 lĩnh vực là đào tạo nghề ngắn hạn và đào tạo nghề dài hạn với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cho 11.500 lao động, cung ứng khoảng 9.500 lao động cho thị trường trong và ngoài tỉnh (cao đẳng 1.450 người; trung cấp: 3.500 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên: 6.550 người). Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32%.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, Lào Cai đã xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo tình hình thực tế từng năm, giai đoạn. Theo đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung, lồng ghép phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo phong trào đi làm việc trong và ngoài nước, góp phần hoàn thành các mục tiêu về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm.
Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, chú trọng đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác, gắn kết giữa Nhà nước, Nhà trường, Nhà doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội, từ khâu chủ đầu tư xây dựng dự án trong đó có định hướng nghề nghiệp, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, tiếp nhận học sinh, sinh viên thực tập, thực hành, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo... tiếp nhận người học vào làm việc tại doanh nghiệp là ngưởi địa phương (người dân tộc thiểu số).Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp và Trung tâm dịch vụ việc làm để hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhà giáo ở trong và ngoài nước; tuyển dụng, thu hút nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo chất lượng cao, nhà giáo đầu ngành, có trình độ chuyên môn sâu, kỹ năng toàn diện, đặc biệt là nhà giáo các ngành, nghề trọng điểm, chất lượng cao.
Mở rộng liên kết, hợp tác đào tạo, thăm quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các hiệp hội, doanh nghiệp có chức năng đào tạo nghề ngoài tỉnh, nhất là những ngành nghề các cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng như: nghề luyện kim, khai khoáng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, một số nghề lĩnh vực dịch vụ du lịch đặc thù… Xúc tiến hợp tác quốc tế với các nước tiên tiến trên thế giới (Nhật, Đức, Úc, Hàn Quốc...) để chuyển giao chương trình, giáo trình tiên tiến nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện được như vậy, chắc chắn trong thời gian tới lực lượng lao động đủ sức đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp./.
Hồng Minh